Nguy cơ nhập khẩu lạm phát

Nhập khẩu lạm phát không xảy ra vào năm 2021 và trở thành yếu tố tích tụ gây tác động kém tích cực đến lạm phát trong năm nay.

Nhập khẩu lạm phát xảy ra khi giá nhập khẩu (giá mua hàng từ nước ngoài) và tỉ giá đồng thời tăng hoặc chỉ một yếu tố tăng mạnh. Dấu hiệu nhập khẩu lạm phát đã xuất hiện khá rõ nét khi kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước trong khi số lượng nhập một số mặt hàng có dấu hiệu giảm, như: sắt thép, phế liệu sắt thép, than, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, hạt điều, than…

Giá dầu thô, lương thực tăng cao

Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức về giá nhập khẩu từng mặt hàng từ các thị trường song nhiều phân tích cho thấy kim ngạch nhập khẩu tăng cao có nguyên nhân quan trọng do giá nhập khẩu tăng chứ không hoàn toàn do số lượng. Thậm chí, số lượng nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước không những không tăng mà còn có dấu hiệu giảm, ví dụ: phế liệu sắt thép, hạt điều, than, khí đốt hóa lỏng, sắt thép, kim loại thường khác…

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 2 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng chậm lại so với mức tăng cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu sử dụng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất không cao. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, khá thấp so với mức tăng 6,8% của năm 2021. Nếu tính riêng tháng 2, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với mức tăng của cả tháng trước lẫn cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường thế giới, giá nhiều mặt hàng tiếp tục tăng cao. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực (FFPI) tháng 2 vừa qua tăng 140,7 điểm, tương ứng tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức chỉ số này còn cao hơn 3,1 điểm so với kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 2-2011. Bên cạnh đó, giá dầu thô, khí đốt tiếp tục leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại do tác động tiêu cực từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Nguy cơ nhập khẩu lạm phát - Ảnh 1.

Giá hàng hóa trên thế giới tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu cũng như gây áp lực đến lạm phát của Việt Nam Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chuyên gia kinh tế – TS Vũ Đình Ánh nhận định căng thẳng giữa Nga và Ukraine tuy ít tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam nhưng lại là yếu tố tác động gián tiếp theo hướng tiêu cực đến thương mại của Việt Nam với nhiều đối tác trên thế giới, kéo theo nguy cơ nhập khẩu lạm phát tăng cao. Nguyên nhân là bởi cục diện chính trị – quân sự giữa Nga và Ukraine cùng lệnh trừng phạt từ Mỹ, châu Âu với Nga sẽ tác động đến ít nhất đến 2 thị trường quan trọng là thị trường nhiên liệu, nguyên liệu cơ bản và thị trường lương thực.

“Giá dầu thô và giá lương thực đã tăng rất cao trong năm 2021 và tiếp tục tăng mạnh ngay từ đầu năm nay. Nga hiện chiếm 70% nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới trong khi Việt Nam nhập khẩu 100% phân NPK. Do đó, dù nhập phân bón từ quốc gia nào thì Việt Nam cũng khó tránh đối mặt với hiệu ứng tăng giá nhập khẩu. Còn với thị trường khí đốt, động thái từ Mỹ có thể khiến nguồn cung bị ảnh hưởng phần nào. Song vấn đề ở đây là không có Nga cung cấp dầu thì sẽ có nguồn cung từ quốc gia khác nhưng chắc chắn giá sẽ bị đẩy lên cao hơn nữa” – TS Vũ Đình Ánh phân tích.

Sớm giải pháp kiểm soát đồng bộ

Theo TS Vũ Đình Ánh, nhập khẩu lạm phát đã không xảy ra vào năm 2021 nhờ nhiều chính sách kiểm soát, cân đối vĩ mô có hiệu quả của Chính phủ, song có thể trở thành yếu tố tích tụ đẩy sang năm 2022. “Áp lực lớn nhất của Việt Nam trong lúc này chính là việc kiểm soát nhập khẩu lạm phát để tránh gây tác động xấu đến lạm phát” – TS Ánh nhìn nhận.

Theo TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương, mặc dù nguồn cung hàng hóa dồi dào và nền tảng vĩ mô ổn định sẽ tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát song chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế và cầu nội địa có thể tăng sẽ tác động bất lợi lên lạm phát.

“Mặt khác, năm 2021, tuy giá nhập khẩu tăng cao nhưng tỉ giá VNĐ/USD giảm nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát đã được chặn lại phần nào. Năm nay, tỉ giá khó tiếp tục giảm, thậm chí có thể tăng 1%-2% khiến giá nhập khẩu tăng kép từ 2 yếu tố: giá thị trường tăng và VNĐ yếu đi. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến lạm phát, đặc biệt là tác động đến tâm lý kỳ vọng lạm phát” – TS Lê Quốc Phương lo ngại.

Để ứng phó sớm với nguy cơ nhập khẩu lạm phát, các chuyên gia lưu ý cần có giải pháp tổng hợp đồng bộ. Về xuất khẩu, cần khắc phục sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ, tình trạng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp; tăng sản lượng xuất khẩu với những mặt hàng có giá cao để tận dụng lợi thế, như: hạt điều, hạt tiêu, than, dầu thô, xơ sợi dệt, sắt thép…

Về nhập khẩu, cần kiểm soát xuất xứ hàng hóa để ngăn chặn tình trạng “xuất khẩu hộ”; có phương án thay thế thị trường hoặc sử dụng sản phẩm trong nước với một số mặt hàng nhập khẩu tăng giá mạnh, như: đậu tương, phân bón, sản phẩm từ cao su…

Giữ ổn định tỉ giá

Liên quan đến tỉ giá, các chuyên gia góp ý Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục các giải pháp điều hành tỉ giá theo hướng ổn định, hài hòa các mục tiêu. Trong đó, việc điều chỉnh tăng tỉ giá VNĐ/USD dù cần được tính đến để góp phần khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu nhưng chỉ nên ở mức trên dưới 1%. Đồng thời, tiếp tục điều hành tỉ giá thông qua tỉ giá trung tâm để vừa tránh giật cục vừa bám sát tín hiệu thị trường.

Theo Phương Nhung

Người lao động

This entry was posted in Chưa phân loại. Bookmark the permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *