Doanh nghiệp tại TPHCM “xả trại” và nỗi lo “mở ra, đóng lại”

 Các doanh nghiệp tại TPHCM tất bật lên phương án tăng công suất hoạt động sau khi TPHCM nới lỏng các quy định giãn cách. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp, còn nhiều vấn đề cần chính quyền sớm tháo gỡ.

Trở về nhà sau nhiều tháng ăn ở tại công ty

Đêm 1/10 là lúc ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty May mặc Dony – có giấc ngủ ngon nhất trong nhiều tháng qua. TPHCM chính thức ban hành Chỉ thị 18 nới lỏng nhiều quy định giãn cách, ông Quang Anh và nhân viên được “xả trại”, trở về nhà sau hơn 2 tháng ăn, ngủ tại công ty.

7h sáng ngày chủ nhật 3/10, ông cùng nhân viên có mặt tại xưởng ở quận Tân Bình để dọn dẹp, vệ sinh máy móc, sắp xếp lại mọi thứ để chuẩn bị cho tuần làm việc “bình thường mới” đầu tiên.

Chủ công ty may này cho biết may mắn là toàn bộ nhân lực hơn 100 người vẫn ở lại TPHCM chờ ngày đi làm, không ai về quê. Ngoại trừ một số ít nhân viên không may đang là F0 hoặc có người nhà nhiễm bệnh thì gần như toàn bộ công nhân có thể trở lại làm việc ngay.

Không lo thiếu đơn hàng đến cuối năm nhưng ông vẫn nơm nớp lo lắng trường hợp không may lại phải đóng cửa trở lại nếu tình hình dịch bệnh xấu đi. “Sợ nhất là mở ra rồi lại phải đóng, sẽ sốc lắm. Khách hàng đã chờ mình qua đợt dịch một lần nhưng giờ nếu phải đóng tiếp, không giao hàng cho họ thì mất hết uy tín, ông Quang Anh chia sẻ.

Doanh nghiệp tại TPHCM xả trại và nỗi lo mở ra, đóng lại - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Người lao động tại nhiều doanh nghiệp trở về nhà sau thời gian dài ăn ở tập trung tại nhà máy (Ảnh: Nguyệt Nhi).

Sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty Cơ khí Duy Khanh, thông báo cho nhân viên thực hiện “3 tại chỗ” đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nhà ở “vùng xanh” được về nhà. Riêng nhân viên vẫn ở “vùng đỏ” theo bản đồ dịch bệnh, mới tiêm một mũi tiếp tục ăn ở tập trung tại công ty thêm thời gian ngắn để chờ tình hình ổn định hơn.

Ông Tống cho biết trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, công ty của ông vẫn duy trì được 80% lực lượng lao động làm việc. Khi nới lỏng giãn cách, dự kiến công suất hoạt động có thể tăng lên 90% vì những nhân viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn chưa vào công ty trở lại.

Theo ông, việc phục hồi được 90% đã rất tốt, còn hy vọng lấy lại 100% công suất như trước dịch rất khó và phụ thuộc nhiều yếu tố. Suốt thời gian qua công ty khó khăn về dòng tiền và có thể sắp tới vẫn vậy. Công ty trả tiền cho nhà cung ứng, ngân hàng đầy đủ nhưng khách hàng chưa trả cũng đành chịu. Chuỗi cung ứng vẫn còn khó khăn.

“Chuyển trạng thái thì cũng phấn khởi nhưng cũng rất lo lắng. Lo lắng vì không biết tình huống sẽ là cái gì tiếp theo. Chúng tôi phải nhắc nhở công nhân, yêu cầu anh em công nhân cam kết rất kỹ để tự đảm bảo an toàn. Nói chung tình hình cũng sẽ ổn hơn”, ông Tống bộc bạch.

Doanh nghiệp tại TPHCM xả trại và nỗi lo mở ra, đóng lại - 2

Nhấn để phóng to ảnh

TPHCM chính thức nới lỏng các quy định giãn cách xã hội từ ngày 1/10, cho phép nhiều hoạt động mở cửa trở lại (Ảnh: Nguyễn Quang).

Còn nhiều nỗi lo

Dù vui mừng với việc TPHCM mở cửa trở lại, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Tại hội nghị đối thoại với các đại biểu Quốc hội của TPHCM ngày 2/10 vừa qua, đại diện hơn 10 hiệp hội doanh nghiệp nêu ra hàng loạt vấn đề đang cần được các cơ quan quản lý tháo gỡ.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm – mong muốn TPHCM, cần tính đến phương án dài hơi, kiên định tiến tới bình thường mới, xác định tinh thần sống chung với dịch. Theo bà, doanh nghiệp hiện nay đã kiệt quệ, nếu bị giáng thêm một đòn nữa chắc sẽ ngã quỵ hẳn.

Bà Chi kiến nghị cần sớm có hướng dẫn về thích ứng an toàn với Covid-19 chính thức để doanh nghiệp chủ động ứng phó. Theo bà, các quy định phòng chống dịch phải nhất quán từ cấp Trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình trạng một số tỉnh đóng cửa cực đoan, đẻ thêm giấy phép, quy định làm khó doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tại TPHCM xả trại và nỗi lo mở ra, đóng lại - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Tắc nghẽn vận chuyển hàng hóa liên tỉnh là một trong những vấn đề doanh nghiệp lo ngại nhất (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đề xuất cần nhanh chóng bao phủ vắc xin không chỉ cho TPHCM mà còn cả trên toàn chuỗi cung ứng liên vùng để có thể sớm đưa công nhân từ các tỉnh trở lại TPHCM làm việc. Ông cũng nêu quan điểm cần đơn giản hóa việc xét nghiệm, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận kit xét nghiệm giá rẻ, tiết kiệm chi phí.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, cũng mong mỏi Chính phủ quan tâm hơn nữa đến việc phân bổ vắc xin cho các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Theo bà, nhiều chuyên gia ở đồng bằng sông Cửu Long muốn về TPHCM nhưng không thể vì chưa được tiêm vắc xin.

Bà Hạnh chia sẻ thêm khi TPHCM mở cửa, doanh nghiệp phải mở hết tốc lực để kịp hoàn thành hợp đồng. Tuy nhiên, vấn đề liên thông giữa TPHCM và các tỉnh thực tế vẫn chưa được giải quyết. Việc duy trì chuỗi cung ứng hiện nay bị phụ thuộc theo chính sách của từng tỉnh, thành. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, nguyên liệu, công nhân, chuyên gia không thể lưu thông, doanh nghiệp cũng không giao được hàng, đối diện nguy cơ mất hợp đồng, đối tác.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-tai-tphcm-xa-trai-va-noi-lo-mo-ra-dong-lai-20211004014924427.htm?gidzl=F9KY33RhCmGnZ24DCFOn2pIA800eysLRADzqKIxrObr_td06VlGr3tYEBmDuysbOBefwNpKoIIC_FEKs2W#dt_source=Cate_KinhDoanh&dt_campaign=MainList&dt_medium=4

Việt Đức

This entry was posted in Chưa phân loại. Bookmark the permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *