Chính phủ đề xuất gói tài khóa 291.000 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế

(VNF) – Chính phủ vừa có báo cáo trình Quốc hội về Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với quy mô hơn 340.000 tỷ đồng.

Chính phủ đề xuất gói tài khóa 291.000 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng quy mô thực hiện chương trình trong 2 năm 2022 – 2023 tương ứng với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp là 347 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể: mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đầu tư nâng cao năng lực y tế: 60 nghìn tỷ đồng; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm: 53,15 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: 110 nghìn tỷ đồng; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển: 113,85 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Chính sách tài khóa quy mô 291.000 tỷ đồng

Về chính sách tài khóa, tổng quy mô tài khóa là 291 nghìn tỷ đồng. Quy mô tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước là 240 nghìn tỷ đồng gồm các nội dung chính sau:

Một là miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí phải nộp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 64 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, các giải pháp thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khoảng 53 nghìn tỷ đồng gồm: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ ngành hàng không trong năm 2022, tương ứng khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng;

Giảm mức thuế suất thuế GTGT từ mức 10% xuống mức 8% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có lợi thế phát triển là viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng – không kể khai thác than, sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất), tương ứng giảm 49,4 nghìn tỷ đồng/năm, thực hiện trong năm 2022;

Tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam trong năm 2022, tương ứng khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

Các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khoảng 11 nghìn tỷ đồng, gồm: giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2022 như đã áp dụng trong năm 2021, tương ứng giảm trên 700 tỷ đồng; điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng để hỗ trợ doanh nghiệp, tương ứng giảm khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian 6 tháng, tương ứng giảm nghĩa vụ khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng; giảm mức thu 35 khoản phí, lệ phí (trong đó: 34 khoản phí, lệ phí đã giảm năm 2021 và bổ sung giảm 50% lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành) tướng ứng giảm khoảng 900 tỷ đồng.

Hai là chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước là 176 nghìn tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển.

Cụ thể: chi 14 nghìn tỷ cho đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương; 3 nghìn tỷ để hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội; 2 nghìn tỷ để cấp cấp bù lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình; 3,15 nghìn tỷ để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm;

40 nghìn tỷ để hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong 2022-2023; 103,164 nghìn tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược, bao gồm đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ; 5 nghìn tỷ đồng cho các dự án bảo đảm an toàn hồ chứa, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, thích ứng biến đổi khí hậu;

300 tỷ đồng để cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 để tăng cường năng lực xúc tiến, quảng bá và phát triển thị trường du lịch;

5,386 nghìn tỷ đồng để đầu tư chuyển đổi số, hạ tầng số các ngành, lĩnh vực khác như việc làm, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đào tạo, hóa đơn điện tử ngành thuế…

Ba là bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Đối tượng thụ hưởng là người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm. Tổng số đối tượng hỗ trợ là khoảng 4 triệu người, trong đó hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động là 400 nghìn người, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp khoảng 3,6 triệu người.

Thời gian hỗ trợ 3 tháng, trong đó hỗ lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng (tương đương 3 triệu đồng/người); lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500 nghìn đồng/tháng (tương đương 1,5 triệu đồng/người).

Bốn là gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất.

Doanh nghiệp giảm chi phí khoảng 6 nghìn tỷ đồng thông qua gia hạn thuế, tiền thuê đất dự kiến khoảng 135 nghìn tỷ đồng. Cụ thể: tiếp tục gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng) và tiền thuê đất của năm 2022 khoảng 115 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2022 khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Năm là tăng thêm 38,4 nghìn tỷ đồng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện 6 chính sách:

Cho vay ưu đãi thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo Nghị định số 61/2015 (10 nghìn tỷ đồng); cho cá nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội (15 nghìn tỷ đồng); cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, bao gồm cả mua máy tính phục vụ học trực tuyến (3 nghìn tỷ đồng); 

Bổ sung vốn tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 (9 nghìn tỷ đồng); cho vay ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập (1,4 nghìn tỷ đồng).

7 giải pháp chính sách tiền tệ

Chính phủ đề ra 7 nội dung đối với chính sách tiền tệ, gồm:

Một là điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, từ đó góp phần duy trì môi trường đầu tư kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp và người dân, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Hai là điều hành đồng bộ các công cụ lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 2 năm; trường hợp rủi ro lạm phát tăng cao có sự điều chỉnh linh hoạt.

Ba là tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bốn là điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; điều tiết thanh khoản phù hợp để tạo điều kiện để tổ chức tín dụng đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất từ Chương trình.

Năm là điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để việc huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ không làm ảnh hưởng lớn đến mặt bằng lãi suất thị trường, tiết kiệm chi phí phát hành trái phiếu chính phủ cho ngân sách nhà nước.

Sáu là sử dụng khoảng 46 nghìn tỷ đồng từ nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ để sẵn sàng bán can thiệp khi thị trường và tỷ giá có biến động để bình ổn tâm lý thị trường trong trường hợp Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ ngoại tệ trong nước (dự kiến 3 tỷ USD).

Bảy là tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động; cân đối giải pháp về tiền tệ hỗ trợ Chương trình với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Ngoài hai chính sách tài khóa và tiền tệ nêu trên, Chính phủ cũng dự kiến sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” (Trao tặng 400 nghìn máy tính bảng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, gia đình hộ nghèo). Kinh phí thực hiện khoảng 5 nghìn tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” là 1 nghìn tỷ đồng.

Hai là sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh… Kinh phí khoảng 5 nghìn tỷ đồng.

Hiệu quả gói hỗ trợ tới đâu?

Theo Chính phủ, trong trường hợp không thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, giả định tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 6%, năm 2023 đạt 6,5% và năm 2024-2025 tăng trưởng trở lại bình thường thì bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 ước đạt 5,4%/năm. Như vậy tăng trưởng kinh tế 5 năm sẽ không đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Còn khi thực hiện hiệu quả, các chính sách tài khóa, tiền tệ tạo động lực đưa tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2-3%.

Bội chi ngân sách so với GDP bình quân 2 năm 2022-2023 dự kiến tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm, trong đó bội chi ngân sách năm 2022 tối đa khoảng 5,1% GDP; nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50% GDP; nợ Chính phủ 45-46% GDP. Chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%, nhưng phấn đấu bình quân cả giai đoạn 2021-2025 vẫn trong giới hạn 25% theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

This entry was posted in Chưa phân loại. Bookmark the permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *