Cần dồn vốn cho hồi phục và tăng trưởng sản xuất

(VNF) – Cùng với việc khống chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh, tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine nhanh chóng tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, dịch bệnh dần được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ, nền kinh tế dần hồi phục tương ứng với sự phục hồi ở lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế cũng tăng lên nhanh chóng.

Cần dồn vốn cho hồi phục và tăng trưởng sản xuất

Ảnh minh họa

Việc chấm dứt lệnh giãn cách xã hội và mở cửa nền kinh tế đã giúp các chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 tăng 6,9%, tháng 11/2021 tăng 5,5% so với tháng trước; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 năm 2021 tăng 18,1%, tháng 11 tăng 6,2% so với tháng trước, hoạt động tín dụng cũng tăng nhanh chóng.

Theo số liệu từ NHNN, tới cuối tháng 9/2021, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,88% so với cuối năm 2020. Nhưng sau khi chấm dứt giãn cách và bắt đầu phục hồi kinh tế vào đầu tháng 10, tính tới ngày 29/10 tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,72% so với cuối năm 2020, đạt mức tăng 0,84% so với tháng trước, tương đương với khoảng 77.700 tỷ đồng tín dụng mới được bổ sung cho nền kinh tế trong tháng 10 – gần gấp đôi so với lượng tín dụng tăng thêm trong tháng 9. Lượng tín dụng được cấp vay mới trong tháng 10 đi vào lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất với 34.900 tỷ đồng và lĩnh vực công nghiệp & xây dựng cũng được cấp bổ sung 15.600 tỷ đồng.

Tính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng khoảng 10,1% so với cuối năm 2020. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 1,38 %, tương ứng với lượng tín dụng được bơm thêm ra nền kinh tế là khoảng 127.000 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này một phần do các doanh nghiệp hồi phục rất cần vốn vay, phần khác nhờ các ngân hàng thương mại đã tung các gói, chương trình ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cuối năm. Với mức tăng trưởng thực tế này, nhiều NHTM đã chạm trần hạn mức tăng trưởng tín dụng sau khi đã được NHNN tăng hạn mức trong 9 tháng đầu năm. Nhiều NHTM đã đề nghị NHNN cho phép tăng hạn mức tín dụng cho quý IV/2021.

Để giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, gần đây NHNN đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 lần thứ 2 cho một số ngân hàng (sau khi đã nới hạn mức tăng trưởng trong quý 3), tùy thuộc vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Cụ thể, 4 ngân hàng được nâng hạn mức tín dụng lên trên 20%, bao gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong-TPBank (được nới từ 17,4% lên 23,4%), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam-Techcombank (từ 17,1% lên 22,1%), Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải-MSB (từ 16% lên 22%) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội-MB (từ 15% lên 21%).

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) được tăng hạn mức tín dụng 19,1%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) tăng lên mức 17,1%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) tăng lên 15%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được tăng từ từ 12,5% lên 15%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng lên mức 12% và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) được tăng lên 12,5%. Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên mức tăng trưởng 13,8%.

Đồng thời, để hỗ trợ các NHTM tăng khả năng cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế vay trung và dài hạn, NHNN cũng cân nhắc lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như đã đề cập trong Thông tư 08/2020-NHNN ngày 14 tháng 8 năm 2020. Việc lùi thời điểm áp dụng thông tư sẽ phần nào giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, đặc biệt các dự án vay vốn trung, dài hạn xây dựng cơ sở hạ tầng, mặc dù tỷ lệ này hiện nay hầu hết ngân hàng thương mại đều đáp ứng mức yêu cầu của thông tư.

Với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 13% -14% trong năm 2021 và dự kiến khoảng 13% trong năm 2022, hệ thống các NHTM sẽ cung cấp một lượng vốn rất lớn cho nền kinh tế để các doanh nghiệp hồi phục và phát triển. Đặc biệt, nếu các gói hỗ trợ giảm lãi suất tín dụng 3.000 tỷ của NHNN và 20.000 tỷ của Bộ Tài chính đi đúng tới các đối tượng, các doanh nghiệp, các lĩnh vực ngành nghề có thể tạo được sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế hồi phục và phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo lắng, khi tăng trưởng mảng trái phiếu doanh nghiệp đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm 2021 ở nhiều ngân hàng như TCB, VPB, MBB, TPB. Việc một số ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có thể có cả mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.

Theo báo cáo “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp” của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, có tới gần 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là do các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán nắm giữ.

Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã mua vào 124,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,3%; các công ty chứng khoán mua 148,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,6%. Trái phiếu doanh nghiệp có thể là một cách để các NHTM vừa lách luật để cho vay doanh nghiệp bất động sản, các công ty chứng khoán vừa tránh được lệnh siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, không phải trích lập dự phòng rủi ro, vừa làm sạch bảng cân đối tài chính.

Còn về phía doanh nghiệp, nếu đến kỳ hạn vay không có tiền trả nợ thì việc phát hành trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng.

Đặc biệt, trong thời gian qua, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam hầu hết đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán; một số doanh nghiệp công bố huy động vốn trái phiếu với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng do vậy rất khó có khả năng đảm bảo trả được nợ gốc và lãi sau này.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang tiềm ẩn rủi ro đối với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Khi doanh nghiệp bất động sản gặp trục trặc thì ngân hàng và cả nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ các trái phiếu doanh nghiệp đều có thể bị vạ lây, thậm chí phá sản. Tất nhiên, trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn của các trái phiếu doanh nghiệp hầu hết vào năm 2024 – 2025.

Để khắc phục tình trạng này, NHNN vừa ban hành Thông tư 16/2021 có hiệu lực từ ngày 15/1/2022, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Trong đó, yêu cầu các ngân hàng nước ngoài chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động.

Đồng thời, các ngân hàng nước ngoài chỉ được mua trái phiếu của công ty phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất; doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu; doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Ngoài ra, Thông tư mới cũng quy định ba trường hợp các NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp, gồm: trái phiếu phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính đơn vị phát hành; trái phiếu có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác và trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Song song đó, các ngân hàng cũng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính mình, trừ trường hợp ngân hàng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc…

Để quản lý tốt trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 57/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/7/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường các loại chứng khoán, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sẽ hoạt động trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2022. Theo đó, chậm nhất đến hết ngày 31/12/2022, HNX thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ Tài chính sẽ tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo và tình hình tài chính yếu kém. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Công an thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn từ phát hành trái phiếu và phối hợp chia sẻ thông tin kết quả kiểm tra, giám sát.

Đáng lưu ý, trước thực tế, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn nhưng không phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trên cơ sở công tác quản lý giám sát và kết quả kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết đang đánh giá để đề xuất sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng hạn chế hiện tượng này, tăng cường công khai minh bạch trong huy động vốn trái phiếu.

Đồng thời, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong hồi phục và phát triển sản xuất, Chính phủ nên xem xét cấp bù lãi suất như một biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cần nghiên cứu một số lĩnh vực, ngành nghề với sự kiểm soát chặt chẽ của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để triển khai. Với bài học của năm 2008-2009, Chính phủ phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh có sự bắt tay “móc ngoặc” giữa các doanh nghiệp với ngân hàng, hoặc ngân hàng cho các doanh nghiệp sân sau vay không đúng đối tượng.

Điều đó đòi hỏi Bộ Tài chính và NHNN phải có một cái “phanh” hãm đúng lúc để việc cấp vốn tín dụng không trở thành hiện tượng gây phương hại đến lạm phát, mất giá trị đồng tiền, cũng như các yếu tố cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Chính vì điều này chúng ta đã biết, nên chỉ làm trên một phạm vi vừa phải và phải có các biện pháp triệt để tránh các hậu quả.

Về biện pháp điều hành chính sách để tránh được bất lợi do cấp bù lãi suất có thể gây ra, đó là:

Thứ nhất, phải phân loại các ngành nghề lĩnh vực được ưu tiên, tránh tình trạng nhập nhèm, mất cân đối, khiến dòng tiền đi không đúng hướng. Cần xác định mức cấp bù hợp lý để lãi suất cho vay phải bằng hoặc cao hơn lãi suất huy động của ngân hàng.

Thứ hai, phải kiểm tra giám sát thường xuyên, liên tục các ngân hàng cho vay. Như vậy, phải hình thành một cơ chế thanh kiểm tra chặt chẽ, gắn trách nhiệm với những người thực hiện.

Thứ ba, với cơ quan quản lý chung của Nhà nước, thì phải có cái nhìn tổng thể, tính toán thời gian cấp vốn phù hợp, lượng vốn phù hợp, tất nhiên cấp bù lãi suất sẽ ít nhiều tác động đến giá trị đồng tiền và lạm phát, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Thứ tư, cần áp dụng rộng rãi công nghệ số đối với hoạt động cấp bù lãi suất cho vay để đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất đó là phải công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay cấp bù lãi suất trên các phương tiện thông tin, để các bên đều có thể truy cập thông tin, dữ liệu, phản ánh các quy định giúp cho các hoạt động đạt được hiệu quả cao.

Có thể nói, nếu Chính phủ điều chỉnh, cân bằng được việc này thì sẽ tạo hiệu ứng rất tích cực cho nền kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy được việc ứng dụng công nghệ số trên diện rộng, khi đó, mọi thủ tục giấy tờ đều trở nên đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng và kiểm soát dễ dàng.

This entry was posted in Chưa phân loại. Bookmark the permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *