Bức tranh đa màu của ngành dầu khí

(VNF) – Không phải doanh nghiệp dầu khí nào cũng được hưởng lợi rõ rệt từ việc giá dầu tăng mạnh trong năm 2021.

Bức tranh đa màu của ngành dầu khí

Sắc màu tươi tắn

Năm 2021, thế giới nói chung, nhất là khu vực châu Âu đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trước hết là do sự chênh lệch ngày một tăng giữa cung – cầu và nguồn dự trữ dầu khí tại nhiều quốc gia dần trở nên khan hiếm, trong khi nguồn năng lượng tái tạo không được bổ sung kịp thời.

Bên cạnh đó, sự căng thẳng địa chính trị giữa các nước cũng là tác nhân gây bóp nghẹt các đường ống dẫn dầu trên thế giới, trái ngược với đó là nhu cầu tiêu thụ khí đốt ngày một tăng khi mà nền kinh tế toàn cầu đang có những bước hồi phục mạnh mẽ sau khoảng thời gian gián đoạn vì dịch bệnh.

Trong năm, giá than và khí đốt cũng liên tục tăng cao, khiến dầu trở nên hấp hơn vì là nhiên liệu chủ chốt trong hoạt động sản xuất điện. Theo đó, giá dầu Brent đã khép lại năm 2021 với mức giá gần 80 USD/thùng, cao hơn khoảng 50% so với cuối năm trước đó. Bình quân cả năm, mức giá mặt hàng này đạt trên 70 USD/thùng, tăng 66% cùng kỳ năm 2020.

Trong nước, làn sóng Covid-19 đến cuối năm đã lắng dịu cùng với tỷ lệ bao phủ vắc-xin vượt mục tiêu đề ra, giúp nền kinh tế lấy lại được đà tăng trưởng, giải phóng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu bị dồn nén, từ đó mang lại “thiên thời – địa lợi” cho ngành dầu khí, phản ánh sâu sắc qua tình hình kinh doanh khả quan của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với mức lợi nhuận hợp nhất ước đạt 45.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm trước; nộp ngân sách 112.500 tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch và tăng 36% so với năm 2020.

Điểm qua một số cái tên nổi bật trong ngành dầu khí, không khó để thấy được những “vũ điệu” đẹp mắt trên bảng kết quả kinh doanh hợp nhất. “Ông lớn” sở hữu đến 50% thị phần bán lẻ xăng dầu nội địa là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) mang về gần 170.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng xấp xỉ 37% so với năm 2020.

Mức lãi sau thuế năm ngoái là 3.110 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2020. Hiện tập đoàn này có 43 đơn vị thành viên, với 5.500 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc.

“Đại gia” khác sở hữu 20% thị phần bán lẻ xăng dầu là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, HoSE: OIL) cũng vừa có một năm thuận lợi với doanh thu thuần đạt 57.830 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Nhờ biên lãi gộp cải thiện từ 3,9% lên 5,5%, PV OIL ghi nhận 776 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi năm trước lỗ gần 170 tỷ đồng.

Ấn tượng hơn, Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), đơn vị điều hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, lãi đến 6.670 tỷ đồng sau khi trừ thuế, đảo ngược thành công khoản lỗ 2.860 tỷ đồng của năm 2020, vượt 8 lần kế hoạch đề ra và là kết quả tích cực nhất trong 4 năm trở lại đây.

Các doanh nghiệp trên đều thuộc nhóm hạ nguồn (đơn vị chuyển đổi dầu khí thành sản phẩm hoàn chỉnh và phân phối đến người tiêu dùng), được thừa hưởng lớn nhất từ diễn biến tích cực của giá dầu. Bức tranh phân hóa rõ nét khi nhóm trung nguồn và thượng nguồn không đạt được những kết quả khả quan như vậy.

Gam màu trầm lắng

Ở nhóm trung nguồn (vận chuyển, lưu trữ và phân phối dầu khí), không hưởng lợi quá nhiều từ sự bùng nổ của giá dầu thô, “đầu tàu” Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS, HoSE: GAS) ghi nhận doanh thu xấp xỉ 79.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 8.850 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 11% so với năm 2020.

Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, HoSE: PVT) tỏ ra “đuối” hơn với doanh thu 7.370 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 670 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thực hiện năm 2020. Lưu ý rằng, nguồn thu chính của PVT là vận chuyển dầu thô khai thác trong nước nên chịu ảnh hưởng lớn khi sản lượng hàng hóa bị cắt giảm và các khoản chi phí phát sinh trong thời dịch bệnh tăng lên.

Về phía thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí), nhìn chung sản lượng khai thác trong năm vẫn nằm trong xu thế tạm chững, do căng thẳng trên biển làm gián đoạn công tác đưa các mỏ mới vào hoạt động, trong khi các mỏ lớn tuổi có chi phí khai thác cao.

Trong bối cảnh đó, Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD) báo lãi giảm 80% so với năm 2020, xuống còn 36 tỷ đồng; doanh thu cũng sụt giảm gần 25%, chỉ đạt 3.990 tỷ đồng trong năm 2021. Khối lượng công việc ít ỏi, đơn giá cho thuê gian khoan tự nâng cũng giảm sút là nguyên nhân lợi nhuận của doanh nghiệp bị hao hụt.

Bức tranh kinh doanh của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) cũng khá trầm lắng trong năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 14.220 tỷ đồng và 678 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và 4,5% so với năm trước đó.

Kỳ vọng năm 2022

Năm 2022, giới quan sát dự báo các nền kinh tế sẽ tiếp tục mở lại, kéo theo nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh trong khi nguồn cung dầu khí vẫn hạn chế do chiến lược giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo cũng như thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ từ tháng 4/2020. Goldman Sachs trong báo cáo hồi cuối tháng 1/2022 dự báo giá dầu trung bình cả năm 2022 có thể đạt 95,8 USD/thùng, năm 2023 có thể đạt trung bình 105 USD/thùng (tăng đáng kể so với dự báo trước đó là 81 và 85 USD/thùng cho năm 2022 và 2023).

Theo OPEC, tổng số giàn khoan đang hoạt động trong 2021 đã vượt năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với năm 2019. Do các hoạt động đầu tư đã chuyển hướng sang nhiên liệu xanh, đầu tư vào nhiêu liệu hóa thách đã giảm trong những năm gần đây. Do đó, tình trạng dư cung có thể không xảy ra trong ngắn hạn, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu.

Thực tế cũng cho thấy, giá dầu năm 2022 có lúc đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2014. Việc giá dầu tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp dầu khí trung và hạ nguồn (PLX, OIL, GAS, BSR). Còn với các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn (PVD, PVS), giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận trong ngắn hạn do các doanh nghiệp này phụ thuộc lớn vào các dự án khai thác, mang tính chất dài hạn hơn.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, trong môi trường giá dầu ổn định và duy trì trên 60-70 USD/thùng, các hoạt động khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới của Việt Nam sẽ rất thuận lợi. Có thể điểm tới một số dự án có vai trò chiến lược và sức ảnh hưởng lớn là dự án LNG Thị Vải, dự án Mỏ Sư Tử Trắng – giai đoạn 2A, dự án Block B…

Theo quy hoạch ngành công nghiệp khí đến năm 2035, nhu cầu tiêu thụ khí ở Việt Nam sẽ đạt 23-31 tỷ m3 vào năm 2035, trong đó nguồn cung khí thiên nhiên là 17-21 triệu m3, phần còn lại sẽ được đáp ứng bằng LNG nhập khẩu. Theo đó, GAS và PVS sẽ là các công ty được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư vào các khu phức hợp LNG.

This entry was posted in Chưa phân loại. Bookmark the permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *