Ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện UKVFTA về phòng vệ thương mại

Nội dung về phòng vệ thương mại được quy định trong Hiệp định UKVFTA có nhiều điểm tương tự như trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA).
Sắt thép, tôn mạ...là nhóm hàng xuất khẩu vướng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều.
Sắt thép, tôn mạ…là nhóm hàng xuất khẩu vướng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bộ Công Thương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa  Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về phòng vệ thương mại (UKVFTA).

Ngày 12/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP về việc phê duyệt Hiệp định Thương UKVFTA, với thời gian hiệu lực chính thức từ 1/5/2021, được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội mới trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu, do đó khi UKVFTA có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Đặc biệt, dư địa tăng trưởng thương mại của cả hai nước còn rất lớn bởi hiện nay kim ngạch xuất khẩu của mỗi nước đều mới chiếm dưới 1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của nước còn lại.

Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt khoảng 5,04 tỷ USD, chiếm 0,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh, trong khi đó xuất khẩu của Anh sang Việt Nam trị giá gần 700 triệu USD, chiếm gần 0,3% tổng nhập khẩu của Việt Nam.

Tham gia UKVFTA, các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Anh như quần áo, giày dép – vốn là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.

Theo cam kết của UKVFTA, nhiều mặt hàng của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu không hạn ngạch hoặc có hạn ngạch, ngay lập tức hay theo lộ trình, khi xuất khẩu sang Anh như: cà phê, trái cây, túi xách, va ly, giày dép, hàng dệt may, thủy sản… Ở chiều ngược lại, rất nhiều hàng hóa của Anh cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu khi xuất vào Việt Nam.

Số liệu của Bộ Công Thương tổng hợp cho thấy, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, kim ngạch hai chiều đã tăng lên nhanh chóng sau khi Hiệp định có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh trong 9 tháng 2021 đạt 4,422 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2020, nhập khẩu từ Anh 635,5 triệu USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ 2020.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các ưu đãi từ UKVFTA cũng như chủ động bảo vệ sản xuất trong nước trong quá trình thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương đang triển khai nội luật hóa các quy định của UKFTA như hướng dẫn chi tiết về quy tắc xuất xứ và lĩnh vực phòng vệ thương mại.

Nội dung về phòng vệ thương mại được quy định trong Hiệp định UKVFTA có nhiều điểm tương tự như trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA).

Trong đó, nội dung về biện pháp phòng vệ thương mại được quy định bao gồm các biện pháp nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước của các Bên trong trường hợp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh (phá giá/trợ cấp) hoặc do thực hiện nghĩa vụ tại Hiệp định khiến hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.       

Để hoàn thiện khung pháp lý nhằm thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định của Hiệp định UKVFTA, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BCT ngày 29/10/2021 hướng dẫn thực hiện Hiệp định này, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 12 năm 2021. Thông tư số 14/2020/TT-BCT gồm 4 Chương 11 Điều.

Thời gian tới, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ phối hợp với các hiệp hội và địa phương để triển khai các hoạt động phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp hiểu và có thể áp dụng Thông tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nhằm ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định đã có hiệu lực.

Nguồn: https://baodautu.vn/ban-hanh-thong-tu-huong-dan-thuc-hien-ukvfta-ve-phong-ve-thuong-mai-d154886.html

This entry was posted in Chưa phân loại. Bookmark the permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *